Những thiết kế mặt số phổ biến

Mặt số chính là gương mặt đại diện của một chiếc đồng hồ, nếu mỗi người có một gương mặt khác biệt thì mặt số đồng hồ cũng như vậy.

Những thiết kế mặt số phổ biến

Nếu bạn đã từng bị nhầm lẫn giữa một thiết kế mặt số đồng hồ Guilloche và mặt số mạ vàng, hoặc nghĩ rằng cái tên “cloisonne enamel” nghe giống như một món bánh ngọt Pháp thì bài viết này là dành cho bạn.

Chúng tôi sẽ lựa chọn những ví dụ rõ ràng và giải thích theo cách cụ thể, đơn giản nhất về những thiết kế mặt số đồng hồ đang được sử dụng phổ biến hiện nay.

Mặt số Co-Signed

Đây là thiết kế mặt số khá đơn giản và dễ hiểu. Mặt số Co-Signed có cả tên thương hiệu và nhà phân phối bán lẻ mẫu đồng hồ đó. Những thiết kế mặt số Co-Signed với mức giá cao ngất ngưởng đều đến từ những thương hiệu chế tác và các nhà phân phối cao cấp, mà điển hình nhất chính là Patek Philippe và Tiffany & Co (hay còn được gọi là mặt số Tiffany)

Mặt số vạch chữ thập.

Mặt số vạch chữ thập là xu hướng nổi bật của những thiết kế đồng hồ như Omega Seamaster, De Villes hay Geneves vào những năm 50, 60 thế kỉ 20. Hình chữ thập chỉ đơn giản là hai đường thẳng ngang – dọc đặt giữa mặt số, bắt đầu từ vị trí 12h đến 6h và từ 3h đến 9h.

Chiều dài chính xác và độ rộng của hai đường thẳng phụ thuộc vào kích thước mặt số, một số hình chữ thập sẽ chạm tới hết đường viền của mặt số, nhưng cũng có thiết kế ngắn hơn.

Mặt số tráng men

Mặt số tráng men là sự lựa chọn được nhiều người mong muốn sở hữu nhất bởi mức độ hiếm gặp và yêu cầu về kĩ thuật chuyên nghiệp vô cùng cao để có thể tạo ra chúng.

Cụm từ “tráng men” đầu tiên xuất phát từ “Smelzan” trong tiếng Đức, sau này được nhiều nơi sử dụng với “Esmail” có nguồn gốc từ tiếng Pháp cổ và hiện nay phổ biến nhất vẫn là “Enamel”, ngôn ngữ tiếng Anh hiện đại. Trong tiếng Pháp, nó còn được gọi là “Email”, vì vậy đôi khi bạn sẽ thấy từ này được viết ở phần đáy của mặt số tráng men.

Những đồ vật đầu tiên được tráng men đã xuất hiện tại Cộng hòa Síp vào thế kỷ 13 trước Công nguyên. Mặc dù các kỹ thuật ngày nay đã trở nên tinh tế hơn, nhưng về cơ bản cách thức thực hiện tráng men vẫn được giữ nguyên.

Men là một loại thủy tinh mềm làm bằng silica và một số tạp chất khác, khi nung nóng từ 800 đến 1200 độ C sẽ chảy và liên kết với kim loại. Các phân tử men sẽ pha trộn cùng các phân tử kim loại khác để tạo được các màu sắc khác nhau: sắt cho màu xám, chromium cho màu xanh lá cây và iodine cho màu đỏ.

Quá trình xử lý mặt số men (Đặt trong lò nung) có rất nhiều rủi ro vì mặt số có thể vỡ bất cứ lúc nào, hoặc bọt khí có thể xuất hiện giữa các lớp và làm hỏng hoàn toàn mọi công sức trước đó.

Donze Cadrans hiện là nhà sản xuất mặt số men sứ duy nhất ở Thụy Sĩ và cũng là nguồn cung cấp mặt số tráng men cho Patek Philippe, A.Lange & Sohne, Ulysse Nardin và những thương hiệu khác.

Mặt số mạ vàng

Các định nghĩa của công đoạn mạ vàng là “che phủ một lớp vàng lá mỏng hoặc một lớp sơn vàng trên bề mặt” và một mặt số mạ vàng cũng có thể là mặt số sở hữu một số yếu tố in bằng sơn vàng.

Trong trường hợp chiếc Rolex Submariner ở trên, biểu tượng vương miện Rolex, tên thương hiệu, khả năng chống nước, tên bộ sưu tập và điểm báo phút được in bằng sơn vàng. Mặt số mạ vàng có thể xuất hiện trong nhiều thương hiệu ở tất cả các mức giá khác nhau.

Mặt số Guilloche

Mặt số Guilloche, hay còn được gọi là mặt số Guillochage nói một cách đơn giản là thiết kế với những họa tiết lặp đi lặp lại được chạm khắc tinh xảo trên bề mặt. Các phương pháp chạm khắc truyền thống sử dụng từ các máy tiện bằng tay hoặc máy tiện thêu từng đợt.

Những công đoạn này trước đây thường được hoàn thiện truyền thống bằng tay, nhưng đây là một loại hình nghệ thuật đang dần mai một bởi có rất ít thương hiệu thực hiện phương pháp thủ công này. Hầu hết, những mặt số Guilloche hiện nay được chạm khắc công nghiệp bằng máy.

Mặt số Linen

Mặt số linen (lanh) là một trong những loại thiết kế khá thú vị và chiếc Rolex Ref.1603 này với mặt số “Sigma” linen màu xám cũng là một thiết kế như vậy. Mặt số linen là một loại hình thức có kết cấu với rất nhiều họa tiết theo chiều thẳng đứng và ngang, trông giống bề mặt chất liệu vải lanh.

Các màu sáng hơn như trắng ngà và kem phổ biến hơn màu tối như màu xám, và màu đen thì hiếm hơn nhiều.

Mặt số thiên thạch.

Mặt số thiên thạch, đúng như cái tên của nó, được làm từ một lát cắt mỏng từ vật thể bên ngoài không gian xuất hiện trên trái đất. Vì những mảnh thiên thạch được cắt ra và đánh bóng riêng biệt từ các thiên thạch khác nhau được tìm thấy trên khắp thế giới, chúng sẽ không bao giờ có chiếc thứ hai.

Thường được chế tác cùng đồng hồ lịch ba chức năng, những thiết kế này được sản xuất từ các thương hiệu nổi tiếng như Jaquet Droz, Jaeger-LeCoultre và Rolex.

Mặt số sứ.

Đây là một loại mặt số vô cùng hiếm gặp bởi lý do giống như mặt số trang men, mặt số bằng sứ đòi hỏi những kỹ thuật cực kỳ phức tạp. Sự khác biệt giữa sứ và men nằm ở hợp chất của sứ chứa nhiều đất sét và thường chỉ có màu trắng.

Thiết kế Seiko Credor Eichi II là một trong những số ít chiếc đồng hồ sở hữu mặt số sứ, với tên thương hiệu và các mốc giờ được vẽ bằng tay.

Mặt số phân vùng

Mặt số phân vùng thường có có một vòng tròn với những đường thẳng hướng ra ngoài, có nhiệm vụ chia thời gian thành từng ô nhỏ theo tỉ lệ. Đó có thể chia theo từng giờ, như thiết kế Laurent Ferrier ở dưới, hoặc chia theo phút ít phổ biến hơn.

Mặt số skeleton

Có lẽ đây là mặt số đơn giản nhất, mặt số Skeleton cắt bớt những chi tiết thừa, cho phép người dùng có thể quan sát cỗ máy vận hành bên trong.

Mặt số Tapisserie

Mặt số Tapisserie sở hữu một loại vân guilloche nổi tiếng cấu tạo từ rất nhiều hình vuông nhỏ trên bề mặt của mặt số, được ngăn cách bởi các đường rảnh mỏng. Một trong những thiết kế biểu tượng của Tapisserie là chính là Audemars Piguet Royal Oak, do ông Gerald Genta thiết kế.

Cỗ máy chuyên dụng có tên “Pantograph” được sử dụng để thực hiện công đoạn sao chép, chạm khắc họa tiết Tapisserie từ một mô hình lớn hơn và tạo bản sao chính xác trên mặt số đồng hồ đeo tay. Mỗi mặt số có thể mất từ 20 đến 50 phút để hoàn thiện tùy thuộc vào kích cỡ và kiểu hoàn thiện.

Mặt số Teak.

Mặt số Teak, giống như chiếc Omega Seamaster Aqua Terra này, chỉ đơn giản là một mặt số với những đường kẻ thẳng đứng chạm khắc tinh xảo. Chiều dày của mỗi đường kẻ này sẽ khác nhau tùy theo từng thương hiệu, cũng như màu sắc và phương pháp đánh bóng hoàn thiện của mặt số.

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Contact Me on Zalo