Nếu nói về thiết kế đồng hồ đeo tay, có lẽ chúng ta phải mất rất nhiều ngày. Thế giới đồng hồ quả thật rộng lớn với vô vàn thiết kế đặc biệt, từ dáng vỏ cho tới mặt số và cả chức năng. Tuy nhiên, về cơ bản chúng ta vẫn có thể chia đồng hồ đeo tay thành năm phong cách khác nhau.
Tuy vào mục đích sử dụng, mỗi chiếc đồng hồ sẽ được thiết kế với một số đặc điểm riêng. Đồng hồ lặn tất nhiên phải chống nước tốt và có chất phát quang, tương tự như vậy thì đồng hồ dành cho những tay đua công thức một phải có tính năng Chronograph. Vì vậy, bạn phải xác định mục đích mua đồng hồ để chọn ra chiếc đồng hồ phù hợp nhất.
Đồng hồ dự tiệc (Dress Watch)
Trên thế giới, mọi người thường sử dụng từ Dress Watch để chỉ dòng đồng hồ này và tôi nghĩ rằng không có một từ tiếng Việt nào có thể diễn tả hết ý nghĩa của từ này. Vì lý do đó, chúng ta sẽ dùng từ nguyên mẫu “Dress Watch”.
Dòng đồng hồ này ra đời vào khoảng đầu thế kỷ trước, dành cho những quý ông lịch thiệp muốn đeo đồng hồ trên cổ tay thay vì để trong túi áo. Vào thời điểm đó, đồng hồ đeo tay chỉ mới xuất hiện và không thực sự được chấp nhận rộng rãi như bây giờ.
Để thiết kế phù hợp với những bộ tuxedo, những chiếc Dress Watch phải có kiểu dáng thanh lịch và không quá khoa trương. Đơn giản và trang nhã – đó chính là những điều làm nên Dress Watch.
Đặc điểm nhận diện
- Kích thước: thường mỏng (dễ dàng chui vào trong tay áo sơ mi)
- Dáng vỏ: tròn, vuông hoặc chữ nhật. Những mẫu đồng hồ cao cấp thường được làm từ kim loại quý như vàng hoặc bạch kim.
- Mặt số: mốc chỉ giờ đơn giản (số Ả Rập, La Mã hoặc đường thẳng)
- Dây đeo: Luôn luôn là dây da (Một số phiên bản hiện đại sử dụng dây kim loại nhưng đúng truyền thống phải là dây da)
- Tính năng đặc biệt: Ít hoặc không có. Thông thường các tính năng trên đồng hồ Dress Watch chỉ là lịch ngày hay lịch tuần trăng.
Nên đeo khi nào: với những đặc điểm ở trên, dòng đồng hồ Dress Watch sẽ phù hợp nhất tại những buổi tiệc sang trọng, đi kèm những bộ vest lịch thiệp. Tuy nhiên, bạn cũng có thể đeo Dress Watch trong những điều kiện bình thường (nhưng không nên ăn mặc quá xuề xòa).
Đồng hồ quân đội (Field Watch)
Dòng đồng hồ quân đội ra đời trong Thế chiến thứ nhất, nổi bật nhất là tính năng dừng kim giây. Tính năng này giúp những sĩ quan quân đội có thể đồng bộ thời gian trên đồng hồ của mỗi người, sau đó quay trở lại doanh trại và ra lệnh cho binh lính.
Đặc điểm nhận diện
- Kích thước: nhỏ hoặc trung bình để không làm vướng cổ tay người lính
- Mặt số: dễ đọc và có độ tương phản cao(thường là mặt số trắng và mốc giờ màu đen hoặc ngược lại). Kim đồng hồ có phủ chất phát quang.
- Vỏ đồng hồ: Thường là thép hoặc đôi khi là Titanium (đảm bảo độ bền).
- Dây đeo: dây da hoặc dây vải, dây kim loại quá nặng và dễ gây trầy xước cổ tay khi trườn bò ngoài mặt trận.
- Tính năng đặc biệt: Thường là không có, hoặc thỉnh thoảng có lịch ngày.
Nên đeo khi nào: Đồng hồ quân đội khá linh hoạt và có thể đeo trong mọi trường hợp: từ sinh hoạt thường ngày cho tới lúc mặc đồ công sở. Với những thanh niên trẻ không thường xuyên mặc vest, đồng hồ quân đội là sự lựa chọn hoàn hảo.
Đồng hồ lặn
Bên cạnh đồng hồ quân đội, đồng hồ lặn cũng là loại đồng hồ phổ biến nhất trên cổ tay người đàn ông. Lý do của việc này hẳn liên quan tới James Bond. Kể từ khi chàng điệp viên 007 xuất hiện với chiếc Rolex Submariner (ngày nay anh đổi sang dùng Omega Seamaster), số lượng đàn ông đeo đồng hồ lặn tăng lên đáng kể.
Cái tên của dòng đồng hồ đã nói lên được mục đích sử dụng của chúng: được thiết kế phục vụ những người thường xuyên làm việc ở môi trường nhiều nước (sông, hồ hay biển). Vì lý do đó, điểm quan trọng nhất tất nhiên sẽ là khả năng chống nước và khả năng xem giờ trong bóng tối.
Đặc điểm nhận diện
- Kích thước: trung bình
- Mặt số: dễ đọc và có sử dụng chất phát quang, bên cạnh đó phải sử dụng kính Sapphire hoặc chất liệu cứng để bảo vệ mặt số.
- Vỏ đồng hồ: đặc điểm dễ nhận biết nhất của đồng hồ lặn là vành bezel xoay 1 chiều hiển thị 60 phút. Khi bắt đầu lặn xuống nước, người thợ lặn sẽ xoay sao cho mốc bắt đầu trùng với kim phút, từ đó họ có thể dễ dàng đếm được khoảng thời gian dưới mặt nước.
- Dây: thường là dây kim loại và dài hơn những loại đồng hồ khác (nhằm đeo ra ngoài bộ đồ lặn), ngày nay việc sử dụng dây cao su cũng khá phổ biến.
- Tính năng đặc biệt: thường chỉ có lịch ngày.
Nên đeo khi nào: tất nhiên khi bạn là thợ lặn. Tuy nhiên nếu bạn thích thiết kế đồng hồ lặn thì có thể đeo bất cứ khi nào (James Bond vẫn đeo Omega Seamaster khi mặc vest đấy thôi).
Đồng hồ phi công
Ngành hàng không từ khi mới ra đời đã gắn liền với đồng hồ đeo tay, giúp phi công có thể tính toán được quãng đường đã di chuyển. Đồng hồ phi công không thể thiếu tính năng bấm giờ Chronograph.
Đặc điểm nhận diện
- Kích thước: trung bình hoặc lớn
- Mặt số: lớn và dễ đọc, có độ tương phản cao (đen và trắng). Thiết kế như vậy giúp phi công có thể xem giờ trong khoang lái thiếu ánh sáng.
- Dây: thường là dây da và dài hơn đồng hồ thông thường, giúp phi công đeo bên ngoài áo khoác.
- Tính năng đặc biệt: Lịch ngày và Chronograph.
Nên đeo khi nào: Kích thước và thiết kế của đồng hồ phi công phù hợp với mọi hoạt động thường ngày. Tuy nhiên, bạn không nên phối hợp đồng hồ phi công với những bộ vest sang trọng.
Đồng hồ đua xe
Đồng hồ đua xe và môn thể thao này đã gắn bó với nhau từ những năm 1930. Môn đua xe yêu cầu những chiếc đồng hồ có khả năng đếm thời gian cực kỳ chính xác để đảm bảo kết quả của cuộc đua.
Nổi bật nhất trong dòng đồng hồ đua xe chắc chắn sẽ là thương hiệu TAG Heuer với hai mẫu đồng hồ Carrera và Monaco đều lấy tên từ những cuộc đua nổi tiếng.
Đặc điểm nhận diện
- Kích thước: trung bình hoặc lớn
- Mặt số: lớn (để có diện tích cho mặt số Chronograph), thường sử dụng các tông màu tương phản
- Vỏ đồng hồ: thường được làm từ thép không gỉ để có thể chịu va chạm trong cuộc đua
- Dây đeo: dây da hoặc dây kim loại
- Tính năng: Chronograph và thỉnh thoảng có lịch ngày.
Nên đeo khi nào: Đồng hồ đua xe có dáng vẻ bóng bẩy hơn so với đồng hồ lặn hay đồng hồ phi công. Vì lý do đó, đồng hồ đua xe sẽ phù hợp với những hoạt động thường ngày hơn so với việc sử dụng trong những bữa tiệc sang trọng, kết hợp với bộ vest.